Trang chủ » Tin tức bất động sản » Bất động sản cuối 2022, phân khúc nào chịu sức ép giảm giá mạnh nhất?

Bất động sản cuối 2022, phân khúc nào chịu sức ép giảm giá mạnh nhất?

(2022-11-26 14:01:43)

Đất nền khu vực ngoài trung tâm được dự báo sẽ gặp nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay và có thể chịu sức ép giảm giá trong thời gian tới.

Đất nền khu vực ngoài trung tâm được dự báo sẽ gặp nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay và có thể chịu sức ép giảm giá trong thời gian tới.

Bất động sản cuối 2022, phân khúc nào chịu sức ép giảm giá mạnh nhất?

Đất nền khu vực ngoài trung tâm được dự báo sẽ gặp nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay và có thể chịu sức ép giảm giá trong thời gian tới.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên Cứu, Savills Hà Nội, cho rằng giá đất nền tại các khu vực ngoài trung tâm đã được đẩy lên cao trong thời gian qua.

Các nhà đầu tư loại hình này thường hay sử dụng đòn bẩy tài chính hơn so với các loại hình khác. Do đó, khi lãi suất vay điều chỉnh khiến áp lực thanh toán và trả lãi tăng cao thì sẽ có khả năng điều chỉnh về giá nhiều hơn.

Tại phân khúc nhà ở thấp tầng, xu hướng giảm giá được nhận định sẽ không rõ ràng. Theo bà Hằng, phân khúc này trong những năm gần đây đón nhận nguồn cung hạn chế.

Hơn nữa, nhu cầu lại chủ yếu từ những người có thu nhập cao, sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi mua nhà để ở, hoặc cải tạo và cho thuê. Do vậy, tỷ lệ người mua sử dụng đòn bẩy tài chính với loại hình này là không nhiều, áp lực thanh toán không lớn, dẫn đến sự điều chỉnh rất hạn chế về mức giá.

So sánh với sự trầm lắng của thị trường những năm 2011-2012, bà Hằng nhận định thị trường bất động sản giai đoạn hiện nay cho thấy nhu cầu khách mua để ở vẫn hiện hữu. Nguồn cung vẫn tồn tại những sản phẩm tốt đi kèm chất lượng xây dựng và tiện ích hiện đại.

“Vào những năm 2011-2012, niềm tin đối với việc bàn giao sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hiện nay vẫn có thể được bàn giao đúng tiến độ, đúng chất lượng cam kết dù vẫn còn tồn tại những khó khăn về dòng tiền. Khi giá bán hợp lý và sản phẩm của chủ đầu tư uy tín, những người có nhu cầu thực sự vẫn quyết định mua để sử dụng”, bà Hằng nhận định.

Đánh giá về tình hình hoạt động của phân khúc biệt thự và nhà liền kề trong quý 4.2022, bà Hằng cho rằng số lượng giao dịch sẽ không tốt như thời điểm quý cuối của những năm trước đây. Một số tác động không thuận lợi có thể kể đến như vấn đề về tín dụng bị hạn chế, thị trường có những sản phẩm neo ở mức cao, không đáp ứng được nguồn cầu để mua những sản phẩm vừa túi tiền.

Hiện nay, người mua càng trở nên cẩn trọng hơn khi tham gia thị trường khi giá bán tăng cao, nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, sắp tới, khi Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cùng chính sách, quy định mới như loại bỏ khung giá đất cho các dự án bất động sản hay mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất, nhà ở, bỏ hoang hoặc chậm sử dụng… sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, giúp thanh lọc và gia tăng chất lượng dự án, đồng thời đem lại tính minh bạch, sự an toàn cho thị trường và tạo niềm tin cho người mua.

Đối với phân khúc căn hộ, bà Hằng cho biết riêng thị trường sơ cấp, nếu chi phí và kỳ vọng đầu tư phù hợp thì giá bán sẽ được giữ tại mức hợp lý. Tuy nhiên, khi chi phí ở mức cao hơn so với dự kiến thì sẽ kéo theo giá tăng cao. Nếu mức giá này thậm chí cao hơn so với dự án cùng phân khúc và cùng vị trí thì sẽ khó bán và buộc phải điều chỉnh về giá.

Trong thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã có những điều chỉnh về dòng tiền. Họ có thể không áp dụng hình thức giảm giá trực tiếp mà đưa ra những chiết khấu hợp lý cho người mua thanh toán sớm hoặc thanh toán nhanh để hai bên cùng có lợi trong việc mua và bán.

Tuy nhiên, thị trường căn hộ thứ cấp đã chứng kiến một số nhà đầu tư quyết định giảm giá. Lý do có thể kể đến là một số yếu tố liên quan đến điều kiện tín dụng hạn chế, lãi suất gia tăng, kéo theo áp lực thanh toán, tác động tới lợi nhuận đầu tư kỳ vọng.

Trước đó, báo cáo thị trường quý 3.2022 của Savills cho thấy, tại thị trường Hà Nội, giá bán sơ cấp căn hộ bình quân đạt 47 triệu đồng/m2, tăng 5% theo quý và 11% theo năm. Sau 15 quý liên tục tăng giá, giá sơ cấp hiện nay đã cao hơn 53% so với quý 1.2019.

Đối với thị trường nhà ở thấp tầng, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự giảm 14% theo quý và giá liền kề giảm 9%, chủ yếu do nguồn cung mới với giá thấp tại dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 ở Mê Linh. Trong khi đó, giá bán sơ cấp của shophouse ghi nhận mức tăng 5% theo quý. Tại các dự án hiện hữu đã ghi nhận mức tăng giá sơ cấp biệt thự tăng 10% và liền kề tăng 22% theo quý do số lượng căn tồn thấp tại các dự án này.

Theo chuyên gia Savills, nguyên nhân của sự tăng giá nhà ở trước đó là chủ đầu tư muốn phát triển sản phẩm có sự cạnh tranh và phù hợp với xu hướng nguồn cầu về sản phẩm chất lượng, điều kiện bàn giao tốt và nhiều tiện ích.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư của chủ đầu tư cũng có thể cao hơn mức dự kiến ban đầu, do quá trình phát triển dự án có những vấn đề phát sinh, khiến chi phí tài chính cao hơn dự phòng.

Tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài đã khiến chi phí đầu tư tăng, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm khiến giá bán ở mức cao.

“Thời điểm vàng” để đầu tư?

Vào thời điểm thị trường có biến động về giá, câu hỏi đặt ra sẽ là liệu có nên đầu tư để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn? Tuy nhiên, thời điểm tốt để đầu tư là khi sản phẩm đầy đủ về pháp lý với mức giá hợp lý.

Chuyên gia cho rằng, khi mức giá vẫn cao so với tương quan các dự án xung quanh thì nhà đầu tư có thể chờ đợi các nguồn cung sơ cấp mới đưa ra thị trường.

Bà Hằng khuyến cáo, người mua nhà thời điểm hiện nay cần hết sức lưu ý, sản phẩm khi mua đầu tiên cần là một sản phẩm ưng ý, không chỉ về chất lượng xây dựng mà các tiện ích cũng cần được tính toán hợp lý để cuộc sống sau này thêm thuận tiện.

Đối với chủ đầu tư, không chỉ dừng lại ở việc phát triển tiện ích nội khu dự án mà còn cần các tiện ích mua sắm, ăn uống, phục vụ đời sống hàng ngày nếu là đại dự án.

Đối với các tòa nhà có khối đế thương mại cũng cần tính toán hợp lý để thu hút khách thuê, mang lại sản phẩm hấp dẫn để thu hút người mua. Đặc biệt chủ đầu tư cũng cần quản lý bài bản dự án để mang lại sự yên tâm cho người mua khi sinh sống hoặc để khi bán cũng đảm bảo về giá. Do đó, phải tính bài toán hợp lý trong tổng thể thì mới có thể thành công.

“Tại thời điểm này, những khách hàng mua bất động sản do nhu cầu thực mà không đủ tài chính thực sự khó khăn, các ngân hàng siết nguồn tín dụng cho vay mua bất động sản, thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ. Những khách hàng đủ điều kiện tài chính, mua do nhu cầu thực thì lại khó khăn trong việc tìm sản phẩm phù hợp, do nguồn cung trở nên khan hiếm, giá nhà bị đẩy lên cao, nên cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định xuống tiền mua đất, so sánh được mức giá trước và sau khi siết tín dụng, cần tìm sản phẩm ổn định, không tăng giá nóng. Còn với những nhà đầu tư, vững tài chính thì đang cho rằng đây thời điểm tốt để “bắt đáy” bất động sản ở những khu vực tiềm năng, khi các NDT F0 thời kỳ sốt đất đang cắt lỗ, tháo chạy, hoặc các CDT tung các chính sách bán hàng hấp dẫn, điều chỉnh nhịp tăng giá chậm lại, đất nền trở lại với giá trị thực”.

Ông Đỗ Quý Duy – Nhà sáng lập Câu lạc bộ Bất động sản NAC.

 

 

 

Tin tức khác